07/07/2023
Lượt xem: 223
Giới thiệu và đề xuất một số định hướng phát triển các sản phẩm hướng đến Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng
Sáng ngày 06/7/2023, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Giới thiệu và đề xuất một số định hướng phát triển các sản phẩm thuộc Dự án Hỗ trợ nâng cao chất lượng một số sản phẩm thuộc Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” tại Công ty Cổ phần Beloved Farm.
Hội thảo nhằm phổ biến, trao đổi các kết quả của dự án “Hỗ trợ nâng cao chất lượng một số sản phẩm thuộc Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” để các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp cùng tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến giúp cho kết quả của dự án đạt được hiệu quả cao.
Tham dự có ông Nguyễn Thành Duy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng; ông Dương Vĩnh Hảo - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng; ông Nguyễn Bá Thanh - Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cùng với sự tham dự của các đại biểu đại diện các Sở, ban ngành; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các Phòng chuyên môn có liên quan thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện; các Công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Nhằm ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị của một số sản phẩm thuộc Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã xác định đưa dự án “Hỗ trợ nâng cao chất lượng một số sản phẩm thuộc Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030” vào thực hiện năm 2020. Đơn vị chủ trì thực hiện dự án là Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Nguyễn Đức Vượng làm Chủ nhiệm dự án. Qua gần 03 năm triển khai thực hiện dự án, với sự tích cực của Chủ nhiệm dự án cùng nhóm nghiên cứu và sự hỗ trợ nhiệt tình của các địa phương, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện dự án. Hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các công việc đề ra. 11 sản phẩm thuộc dự án (Nước cốt hoa đậu biếc; Mắm cá rô không xương; Tinh dầu mù u; Gạo hữu cơ; Khô trâu ăn liền; Bánh in; Mứt vỏ cam xoàn; Lạp xưởng; Tôm sốt rau củ; Kẹo mật ong; Mứt xoài cát chu sấy dẻo) đã cơ bản được hỗ trợ nâng cao chất lượng.
Tại Hội thảo các báo cáo viên đã trình bày báo cáo tham luận về việc khảo sát thị trường, người tiêu dùng cho các sản phẩm thực hiện và đưa ra định hướng cải tiến sản phẩm; Khảo sát hiện trạng cơ sở sản xuất, đề ra biện pháp cải tiến, tập huấn nhân sự, xây dựng hệ thống quản lý sản xuất, chất lượng; Tổng hợp các cách thức để nâng cao giá trị sản phẩm; Việc phối hợp thực hiện dự án của doanh nghiệp. Sau khi nghe các báo cáo viên trình bày các tham luận, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển các sản phẩm trong thời gian tới như: Các sản phẩm sản xuất phải có được đặc trưng riêng, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; Mẫu mã, bao bì sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, một sản phẩm muốn tồn tại trên thị trường thì phải có được thị trường tiêu thụ ổn định do đó việc tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm cần phải đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất phải chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, các thiết bị máy móc vào sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ sản xuất,...
Sau khi xem và dùng thử một số sản phẩm, phần lớn các đại biểu đều đánh giá khá tốt về chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm. Đồng thời, các đại biểu cũng có các ý kiến góp ý để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng được các mục tiêu mà dự án đề ra.
Các đại biểu xem và trao đổi về các sản phẩm của dự án
Dương Hồng Nga